TP.HCM đề xuất đưa ra nhiều giải pháp cho các dự án chậm tiến độ

Tue Anh 3:54 chiều, Thứ Sáu, 14 Tháng Mười 2022

Hiện các dự án có sử dụng đất tại TPHCM triển khai rất chậm tiến độ. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hiện tượng trên. Đơn vị này cũng đã đề xuất nhiều phương án nhằm giải quyết vướng mắc.

Dự án hầm chui An Sương từng có một thời điểm bị đình trệ một thời gian do vướng mặt bằng.

Thiếu chế tài đủ mạnh

Nhận xét về việc các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, qua kiểm tra, đánh giá thì việc này có nguyên nhân chủ quan là công tác lập, triển khai và quản lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất có nơi chưa được lãnh đạo các cấp, các ngành chú trọng, thường tiến hành chậm.

Cùng với đó, nội dung của các đồ án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa chú trọng nhiều đến việc xem xét khả năng tài chính để thực hiện.

Việc lấy ý kiến góp ý của người dân về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa cung cấp đầy đủ thông tin và phổ biến rộng rãi về các nội dung, bản chất của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân tìm hiểu và tham gia góp ý kiến.

Về nguyên nhân khách quan, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và đầu tư xây dựng công trình còn hạn chế.

Quy định giá bồi thường theo giá thị trường. Các dự án không nhằm mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên thời gian thực hiện thường bị kéo dài.

Một số dự án lớn, thực hiện trên địa bàn nhiều quận nên chủ đầu tư phải chờ hoàn thành toàn bộ dự án để thực hiện công tác giao đất hoặc cho thuê đất, dẫn đến việc phải chuyển tiếp qua nhiều năm.

Bên cạnh đó, một số dự án có nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nên phải xem xét, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Nguyên nhân khác là một số dự án lớn, quy trình thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trải qua nhiều bước, cần có sự thống nhất giữa các Sở, ngành có liên quan của thành phố nên thời gian thực hiện khá dài.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư còn liên quan tới nhiều Luật khác nhau nên thời gian giải quyết các thủ tục kéo dài gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Ông Dũng cũng chỉ ra việc chưa có cơ chế, chính sách và các biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện đi kèm với quy hoạch, kế hoạch được duyệt nhằm đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khả thi.

Các biện pháp xử lý vi phạm chưa hiệu quả, còn thiếu những chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, bên cạnh đó, lãnh đạo các quận huyện thiếu kiên quyết trong việc xử lý các sai phạm.

Một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Về việc xác định giá đất và hệ số điều chỉnh, Sở này đã tham mưu cho UBND TP ban hành các quyết định về hệ số điều chỉnh giá để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Tạo điều kiện thuận lợi rút gọn thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất.

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên triển khai, quán triệt, tập huấn các quy định mới của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham mưu xử lý về chính sách phù hợp với tình hình thực tế của thành phố để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án…

Phó Chánh thanh tra Sở cho biết, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, UBND các quận – huyện và TP Thủ Đức rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo yêu cầu, nhiệm vụ, đảm bảo tất cả các dự án phải được giải ngân hoàn tất trong năm 2022.

Tags: , , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận