Theo các chuyên gia, những chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chưa phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Theo các chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS – FERI), nhìn chung thị trường vẫn có những điểm sáng như lãi suất huy động đã giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2020, kéo theo lãi suất chào cho các khoản vay mới cũng đang được điều chỉnh giảm về mức tương đương đầu năm 2022.
Dù tỉ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước khủng hoảng (trung bình khoảng trên dưới 20% toàn thị trường), nhưng tỉ lệ hấp thụ của năm 2023 đã tăng dần theo quý. Cụ thể, quý 2 tăng hơn quý 1, quý 3 tăng hơn quý 2. Nếu đà tăng tỉ lệ hấp thụ duy trì ổn định thì có thể kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong giai đoạn sắp tới.
TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS – FERI), nhận định bất động sản đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái và hiện nay thị trường gần như đã chạm đáy.
Khác với giai đoạn trước, đến cuối quý III/2023, thị trường không còn ghi nhận các sản phẩm bất động sản chào bán mới bị cắt giảm giá sâu, thậm chí giá bán sơ cấp đã bắt đầu tăng nhẹ 2-5%. Thị trường đã chạm đáy và hoàn toàn có thể dự báo thị trường sẽ dần hồi phục.
Ngoài ra, theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu, thị trường bất động sản đang sắp tới điểm đảo chiều khi 3 chỉ báo cơ bản của thị trường bất động sản đang diễn ra tích cực.
Thứ nhất, về lãi suất ngân hàng, ở giai đoạn khủng hoảng trước đây, tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường bất động sản bắt đầu đảo chiều phải mất 1,5 năm.
Nếu như giai đoạn 2008-2012, thị trường mất đến 4 năm mới có dấu hiệu điều chỉnh lãi suất ngân hàng thì ở giai đoạn này, ngay từ quý I/2023, NHNN đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm giảm lãi suất điều hành, tiếp theo đó là các đợt giảm nhiều loại lãi suất.
Thứ 2 là tăng trưởng tín dụng. Xét lại câu chuyện năm 2012, tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, đồng thời lạm phát lên tới 8%. Sang năm 2013, tăng trưởng tín dụng tăng lên 12% và lạm phát 6%. Ngay trong năm thực hiện nới lỏng tín dụng, thị trường bất động sản có ngay tín hiệu đảo chiều. Ở bối cảnh thị trường hiện tại, từ đầu năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14-15%, so với mức 14% của năm 2022, đây là một tín hiệu tích cực.
Thứ 3 là chính sách bất động sản. Năm 2008, thanh khoản thị trường bất động sản lao dốc, nhưng phải đến năm 2013 mới có các chính sách hỗ trợ thị trường như gói hỗ trợ 30.000 tỉ và ban hành Luật Đất đai sửa đổi. Năm 2022, thị trường lặp lại diễn biến trầm lắng khi tín dụng bị siết, lãi suất tăng, thanh khoản giảm.
Tuy nhiên ngay từ cuối năm 2022, Chính phủ đã liên tiếp thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, Nghị định 08 giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, Nghị quyết 33 góp phần khơi thông cho thị trường bất động sản…
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định thị trường bất động sản có thể bắt đầu khởi sắc vào cuối năm 2023 và “điểm đảo chiều” sẽ rơi vào quý II đến quý IV/2024 trong điều kiện các chỉ báo quan trọng của thị trường diễn biến tích cực.
Tags: dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp trẻ, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp