Nguồn cung bất động sản có dấu hiệu đảo chiều, các dự án hạ tầng đồng loạt được khởi động, cùng những chính sách cải cách hành chính, pháp lý được tháo gỡ đang tạo nên kỳ vọng lớn cho thị trường bất động sản bước vào chu kỳ tăng trưởng mới – với mức giá tiệm cận giá trị thực, thay vì sốt ảo như trước.
Tại một diễn đàn kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng bất động sản Việt Nam đang bước vào một thời điểm đặc biệt khi những lực đẩy hạ tầng, chính sách và xu hướng đô thị hóa sau sáp nhập hành chính đang cùng lúc hội tụ. Theo ông, sau giai đoạn siết chặt, thị trường hiện nay đang cần một sự cởi mở hợp lý để giải phóng nguồn cung, điều tiết giá nhà về mức phù hợp hơn với sức mua thực.
Từ bài học giai đoạn 2016, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Việc thắt chặt phát triển dự án từng được kỳ vọng để chống dư cung, nhưng lại tạo ra hệ quả ngược là thiếu cung trầm trọng, khiến giá nhà tăng chóng mặt”. Hiện tại, với việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp và sáp nhập hành chính các tỉnh, nhiều vùng đô thị vệ tinh mới sẽ hình thành – tạo động lực phát triển bất động sản trên quy mô rộng lớn hơn.
Lấy ví dụ từ Long Thành, nơi có sân bay quốc tế tầm cỡ đang được triển khai, ông Nghĩa cho rằng khu vực này sẽ không chỉ giới hạn ở quy hoạch dân số 500.000 người mà có thể tiến tới hàng triệu dân, trở thành trung tâm kinh tế – đô thị mới, song hành cùng TP.HCM. Cùng với đó, hàng loạt tuyến cao tốc, đường sắt, cảng biển… đang định hình lại bức tranh hạ tầng quốc gia, xóa bỏ rào cản địa lý và mở rộng không gian phát triển thị trường nhà ở.
Chuyên gia này cho rằng, khi nguồn cung được giải phóng đúng hướng, giá nhà sẽ từng bước quay về giá trị thực, thay vì tăng phi mã như giai đoạn 2019–2022. Đây cũng là cơ hội cho người trẻ và người thu nhập trung bình tiếp cận giấc mơ an cư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Vũ – Chủ tịch HĐQT Cen Group – nhận định thị trường bất động sản đang bước sang giai đoạn mới. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ gần đây đã tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. “Điểm đáng chú ý là sự bùng nổ không đến từ giá, mà đến từ nguồn cung. Và đó là tín hiệu tích cực”, ông nói.
Tuy nhiên, bài toán phát triển bền vững vẫn còn đó những thách thức. TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – chỉ ra rằng thị trường hiện vẫn thiếu những kênh dẫn vốn dài hạn, ổn định. Khi dòng tín dụng bị co hẹp, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nghiêm trọng. Để khắc phục, cần hướng đến nguồn vốn xã hội hóa – từ người dân, nhà đầu tư và thị trường vốn.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khi lãi suất tiết kiệm giảm, người dân có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Bất động sản vẫn là lựa chọn hàng đầu nếu doanh nghiệp biết xây dựng uy tín, minh bạch dự án và phát triển sản phẩm hợp lý. Việc huy động vốn từ cộng đồng không chỉ giải quyết bài toán tài chính, mà còn giúp thị trường bất động sản trở nên lành mạnh và minh bạch hơn.
Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần mạnh dạn niêm yết trên sàn chứng khoán, công bố báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế và hướng đến xếp hạng tín nhiệm để tạo lòng tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp lớn đã thành công gọi vốn từ các tập đoàn tài chính Hàn Quốc, Singapore nhờ thực hiện tốt các tiêu chí này.
“Đây là giai đoạn của sự linh hoạt, đổi mới và chuyên nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp nào sẵn sàng thay đổi tư duy, quản trị hiệu quả và chuẩn hóa hoạt động mới có thể nắm bắt được cơ hội khi thị trường đảo chiều tích cực”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tags: Thị trường bất động sản sắp bước vào “thời kỳ hồi phục”: Giá nhà có cơ hội trở về giá trị thực