Thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận đang dần cho thấy những dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn trầm lắng kéo dài. Những động thái tích cực về chính sách, quy hoạch và thông tin sáp nhập hành chính đang tạo ra làn gió mới cho khu vực phía Nam, đặc biệt là các thị trường vệ tinh.
Từ cuối năm 2024, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cùng loạt tín hiệu tích cực từ quy hoạch và hạ tầng đã góp phần cải thiện thanh khoản, đẩy giá bán trên thị trường tăng nhẹ. Dù nguồn cung quý I/2025 còn hạn chế, với khoảng 2.000 sản phẩm mới chủ yếu từ hàng tồn kho, nhưng tỷ lệ hấp thụ đã cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, sự trở lại của dòng tiền đầu tư từ khu vực phía Bắc cho thấy tâm lý thị trường đang tích cực hơn.
Bình Dương đang vươn lên trở thành điểm sáng của khu vực, với lợi thế vị trí chiến lược, hạ tầng phát triển và khả năng kết nối mạnh với TP.HCM. Trong năm 2024, địa phương này ghi nhận hơn 5.000 sản phẩm mở bán, chủ yếu là căn hộ, với giá sơ cấp trung bình 43 triệu đồng/m2. Tỷ lệ hấp thụ đạt 74%, nhờ sự hồi phục của phân khúc căn hộ phục vụ nhu cầu ở thực.
Sang đầu năm 2025, hàng loạt dự án tại Bình Dương được khơi thông pháp lý và ra mắt, tạo nên làn sóng mở bán mới. Một số dự án có tỷ lệ hấp thụ tới 70% bảng hàng chỉ sau vài tuần, chứng tỏ nhu cầu bị nén đang được giải tỏa.
Đáng chú ý, thông tin sáp nhập TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu thành một vùng đô thị – kinh tế mới đang tạo cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản phía Nam. Theo các chuyên gia, sự kiện này sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng liên vùng, xóa nhòa ranh giới hành chính, đồng thời tạo ra những chuẩn hóa trong quy hoạch, xét duyệt dự án, định giá đất và quy trình đầu tư.
TP.HCM sau sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển về các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ… Các khu vực này sẽ là điểm đến của hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị vệ tinh, phục vụ giãn dân và phát triển công nghiệp dịch vụ.
Tại Bình Dương, trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực phía Nam, việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP.Thủ Đức sẽ gia tăng nhu cầu nhà ở cao cấp cho chuyên gia, nhà quản lý. Các đô thị giáp ranh như Dĩ An, Thuận An – chỉ cách trung tâm TP.Thủ Đức 20-30 phút – sẽ hưởng lợi trực tiếp.
Việc liên kết với hạ tầng cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu và dịch vụ tài chính – thương mại của TP.HCM sẽ giúp Bình Dương trở thành trung tâm đa năng: vừa công nghiệp, vừa đô thị – dịch vụ. Lượng chuyên gia, dân cư chất lượng cao đổ về sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở đa dạng – từ trung cấp đến cao cấp.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc sáp nhập còn giúp các địa phương liên kết dữ liệu, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin, gia tăng tính minh bạch và cải thiện hiệu quả quản lý thị trường. Đây sẽ là bước đi nền tảng cho một thị trường bất động sản ổn định, chuyên nghiệp và phát triển bền vững hơn.
Thị trường phía Nam đang bước vào chu kỳ mới với động lực mạnh từ chính sách, hạ tầng và sự tích hợp vùng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng chọn lựa sản phẩm có pháp lý rõ ràng, giá trị thực, phù hợp với nhu cầu ở thực và dài hạn.
Tags: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, thị trường bất động sản