Tại Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Gặp mặt Hội viên Thường niên 2025 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức ngày 9/5, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đã nhận định rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang từng bước phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Trong năm 2024, GDP ngành kinh doanh bất động sản tăng 3,34%, cải thiện hơn so với mức 0,24% của năm 2023 nhưng chưa thực sự đột phá; lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 7,87%, cao hơn mức 7,06% của năm trước đó, nhưng không quá lớn. Sang quý I/2025, đà phục hồi tiếp tục được duy trì nhưng chưa thực sự diễn ra mạnh mẽ.
Nguồn cung nhà ở thương mại mới trong quý I/2025 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024, dù vậy vẫn chỉ bằng 50% so với quý liền trước. Giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng ghi nhận khởi sắc khi số lượng giao dịch tăng gấp đôi cùng kỳ, song quy mô giao dịch chỉ bằng một nửa quý IV/2024. Đặc biệt, dù nguồn cung có xu hướng cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến giá nhà ở tại Việt Nam tăng cao:
Vướng mắc pháp lý kéo dài và tâm lý e ngại trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng khiến quá trình phê duyệt dự án chậm trễ, dẫn đến nguồn cung nhà ở khan hiếm.
Chi phí đầu vào của các dự án bất động sản ngày càng tăng, bao gồm tiền thuê đất hoặc sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí tài chính, giá vật liệu xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng.
Sự mất cân đối cung cầu thể hiện rõ ở việc nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển phân khúc cao cấp trong khi nguồn cung nhà ở trung cấp và vừa túi tiền, bao gồm cả nhà ở xã hội, lại thiếu hụt.
Tình trạng “thổi giá”, “làm giá” hay “té nước theo mưa” vẫn còn tồn tại trên thị trường, khiến giá bị đẩy lên mức không phản ánh đúng giá trị thực.
Hoạt động đầu cơ vẫn phổ biến.
Việc Việt Nam chưa áp dụng thuế tài sản trong khi thuế chuyển nhượng và cho thuê ở mức khá thấp cũng góp phần khiến dòng tiền đổ vào thị trường này dễ dàng hơn, đẩy giá lên cao nhưng thiếu tính bền vững.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là Nhà nước cần tiếp tục gỡ các vướng mắc pháp lý, hoàn thiện thể chế về đất đai, xây dựng và bất động sản, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết về nhà ở xã hội. Đồng thời, cần có những phương án và biện pháp cụ thể, khả thi để ổn định và giảm mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, tập trung giải quyết những bất cập hiện hữu. Đa dạng hóa nguồn vốn và phát triển tài chính bất động sản thông qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITs), thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp cũng là những giải pháp cần được triển khai.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản năm 2025 mở ra những chân trời cơ hội mới mẻ, đồng thời không ít thách thức đan xen, các doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết một “tâm thế mới, vận hội mới” sẵn sàng đón nhận các vận hội mới, đổi mới sáng tạo và ứng phó linh hoạt với mọi thay đổi của thị trường, nhằm duy trì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tags: Cơ hội bứt phá, đòi hỏi tư duy đột phá, Thị trường bất động sản 2025