Chưa đầy 10 tháng sau ngày khởi công trên bãi đất hoang ven sông Hồng, Trung tâm Triển lãm Việt Nam – công trình quy mô Top 10 thế giới – đã chính thức hoàn thành tại Đông Anh, Hà Nội. Đây không chỉ là một kỳ tích về tiến độ và chất lượng, mà còn là minh chứng mạnh mẽ cho năng lực kiến tạo hạ tầng chiến lược của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập mới.
Khi Vingroup đặt móng Trung tâm Triển lãm Việt Nam vào cuối tháng 8/2024, nơi đây vẫn chỉ là bãi đất cỏ dại. Nhưng đúng ngày 27/6/2025, Nhà triển lãm Kim Quy – công trình hình tròn lớn nhất thế giới với diện tích hơn 104.000m² – cùng 4 khu công viên triển lãm ngoài trời quy mô 200.000m² đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ sự kiện kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. “Tôi rất kinh ngạc. Với quy mô như thế, hoàn thành trong 10 tháng là điều chưa từng có tại Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Công trình này nối dài danh sách các kỳ tích mà Vingroup đã thiết lập trước đó, tiêu biểu như việc xây dựng Nhà máy VinFast và ra mắt 3 dòng ô tô đầu tiên chỉ trong 21 tháng – nhanh hơn gấp đôi so với chuẩn ngành toàn cầu. Theo TS. Võ Trí Thành, Trung tâm Triển lãm không chỉ là cơ sở vật chất phục vụ hội chợ, sự kiện mà còn là biểu tượng về tầm vóc, khả năng kết nối quốc tế của Việt Nam – đặc biệt khi nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng.
Bí quyết của Vingroup nằm ở mô hình quản trị linh hoạt, khả năng làm chủ công nghệ và một đội ngũ quyết liệt. “Doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ thời gian là tiền bạc. Họ chủ động toàn diện trong quyết định, nguồn vốn, nhân sự và luôn chịu áp lực về tiến độ, chi phí, chất lượng. Chính điều đó tạo ra động lực và kết quả vượt mong đợi”, bà Phạm Chi Lan phân tích. Từ khâu lên kế hoạch đến triển khai, Vingroup đã huy động đồng bộ nhân lực, công nghệ và đối tác chiến lược, tạo nên cỗ máy vận hành trơn tru không bị ràng buộc bởi cơ chế hành chính phức tạp như khu vực nhà nước.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong các dự án hạ tầng. Không chỉ thần tốc, các công trình như VinFast, sân bay, cao tốc hay Trung tâm Triển lãm đều được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, không đội vốn – góp phần tiết kiệm lớn cho ngân sách và thể hiện rõ tinh thần chống lãng phí.
Vingroup, từ một tập đoàn tư nhân, đã từng bước khẳng định năng lực triển khai những công trình mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. “Tốc độ thần kỳ” mà Vingroup thể hiện không phải sự liều lĩnh mà là kết quả của tầm nhìn chiến lược, nền tảng quản trị vững chắc và khát vọng vươn lên ngang tầm thế giới. Những doanh nghiệp như Vingroup chính là bệ phóng để Việt Nam bước vào thời kỳ tăng tốc mới, hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ toàn cầu.
Tags: Năng lực tư nhân, tầm vóc quốc gia, Vingroup thần tốc kiến tạo công trình biểu tượng Thủ đô