Thừa Thiên Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương liên tục đón “đại bàng về làm tổ”

Mai Chau 8:56 sáng, Thứ Bảy, 17 Tháng Hai 2024

Đón đầu xu hướng phát triển mới, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đổ về Thừa Thiên Huế đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn.

Theo quy hoạch, năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương và năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.

Imgur-Upload
Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao

Ngày 31/12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm quy hoạch tỉnh là tổ chức không gian phát triển theo mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; gắn với các hành lang Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Để từng bước thực hiện mục tiêu, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, đô thị thông minh, phòng chống thiên tai. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được cải thiện; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Thừa Thiên Huế sẽ phát huy các tiềm năng, vị trí chiến lược – cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông – Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng như Sông Hương Núi Ngự, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Việc trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2025 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư phát triển đô thị, cũng như thúc đẩy làn sóng đầu tư mới đổ bộ vào tỉnh,…

Trong báo cáo, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn tỉnh có 259 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 86.000 tỷ đồng được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 19.316 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng vốn đăng ký.

Trong tổng số 259 dự án nói trên, đến nay đã có 128 dự án đi vào hoạt động; 65 dự án đang triển khai thực hiện; 24 dự án chậm tiến độ; 22 dự án ngừng triển khai, không triển khai; 20 dự án đã chấm dứt hoạt động.

Cụ thể, tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp tỉnh có 65 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư 31.132,4 tỷ đồng. Trong đó có 30 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 16 dự án đang triển khai thực hiện; 9 dự án chậm tiến độ; 5 dự án ngừng triển khai, không triển khai; 5 dự án đã chấm dứt hoạt động.

Tại địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế có 194 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 54.965,4 tỷ đồng. Trong đó có 98 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 49 dự án đang triển khai thực hiện; 15 dự án chậm tiến độ; 17 dự án ngừng triển khai, không triển khai; 15 dự án đã chấm dứt hoạt động.

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022. Đơn cử, vẫn còn 66 dự án chậm tiến độ, ngừng triển khai, không triển khai, chấm dứt hoạt động. Trong khi đó các dự án đi vào hoạt động chủ yếu là dự án nhỏ và vừa, có diện tích đất thực hiện đạt thấp so với diện tích được giao đất.

Bên cạnh đó, vốn giải ngân thực tế đạt thấp hơn nhiều so với tổng vốn đầu tư đăng ký, với khoảng 13.802 tỷ đồng trên tổng số 86.097,8 tỷ đồng,…

Tính riêng năm 2023, tình hình thu hút các dự án FDI của tỉnh này đạt được một số kết quả đáng khích lệ, toàn tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,8 triệu USD (tương đương 3.391 tỷ đồng).

Trong đó một số dự án lớn nổi bật như: Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza ( liên doanh với Ý) vốn đầu tư đăng ký 91.111.000 USD; Dự án nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Việt Nam (Nhật Bản) vốn đầu tư đăng ký 12.500.000 USD; Dự án Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon-Huế (Nhật Bản) vốn đầu tư đăng ký 6.800.600 USD… Lũy tiến đến nay trên địa bàn tỉnh có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,5 tỷ USD.

Năm 2023, doanh thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt 4.370 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 38,5% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh; trong đó, riêng đóng góp của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là 3.500 tỷ đồng, chiếm 86,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9 – 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)…

Tags: , , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận