Ngân hàng siết vốn vay bất động sản

admin 2:47 chiều, Chủ Nhật, 3 Tháng Tư 2022

(DOANH NGHIỆP TRẺ) – Trong khi một số ngân hàng thông báo “khóa van” tín dụng bất động sản nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, nhiều ngân hàng khác cho biết chỉ cho vay với những khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở, đồng thời nói không với cho vay đầu cơ bất động sản.

1
Nhân viên bất động sản TP.HCM giới thiệu các dự án cho khách hàng

Theo các chuyên gia, không chỉ tín dụng bất động sản giảm mạnh trong những năm gần đây, việc Ngân hàng (NH) Nhà nước chỉ cho phép một tỉ lệ cứng với tín dụng bất động sản buộc các NH thương mại phải cân đối, vừa thực hiện chỉ đạo của NH Nhà nước vừa đảm bảo an toàn tín dụng cho hệ thống.

Chỉ cho vay mua nhà để ở

NH Sacombank vừa có văn bản chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, áp dụng từ ngày 30-6.

Theo đó, một nội dung quan trọng là yêu cầu không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay đối với cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở. NH này cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động – cho vay cầm cố sổ cùng lúc.

Trao đổi với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, tổng giám đốc Sacombank, cho biết NH muốn kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tuân thủ quy định của NH Nhà nước. “Room (hạn mức) tăng trưởng tín dụng mà NH Nhà nước cấp không nhiều, do vậy không đủ đáp ứng mọi lĩnh vực ngành nghề, nên chúng tôi sẽ tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên hơn”, bà Diễm cho biết.

Trước đó, Techcombank cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.

Theo đó, NH này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25-3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1-4.

Trong khi đó, ông Tiết Văn Thành, tổng giám đốc Agribank, cho biết NH này không siết chặt mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỉ đồng.

“Bên cạnh việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường”, ông Thành cho biết thêm.

Tổng giám đốc một NH lớn khác tại TP.HCM cho hay với việc giá đất tăng dựng đứng thời gian qua, việc NH Nhà nước tuýt còi, yêu cầu siết cho vay bất động sản là hợp lý. Tuy nhiên, NH này vẫn đang cho vay cả với nhà phát triển dự án lẫn người vay mua nhà.

“Không có chuyện tất cả NH cùng dừng cho vay kinh doanh bất động sản. NH Nhà nước không hạn chế việc cho vay với người dân mua nhà để ở nên nhiều NH vẫn cho vay bình thường”, vị này nói.

Hàng loạt chung cư được xây dựng ở TP Thủ Đức (TP.HCM)

Nói không với cho vay đầu cơ đất

Trong khi đó, hầu hết các NH đều cho biết sẽ “lắc đầu” với nhu cầu vay mua đầu cơ bất động sản, gom đất…

Lãnh đạo một NH cho biết trong danh mục cho vay bất động sản, NH Nhà nước “khóa cứng” tỉ lệ 8%, tức tỉ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của NH. Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng quá sẽ bị tuýt còi. Do vậy, việc một số NH gần đây phải tạm dừng cho vay bất động sản có thể vì lý do này.

“Các NH vẫn cho vay mua bất động sản phục vụ đời sống dân sinh nhưng hạn chế, thậm chí ngừng cho vay mua bất động sản để đầu cơ nhằm tránh bị NH Nhà nước tuýt còi, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ thổi giá bất động sản”, vị này nói.

Đồng thời thừa nhận tỉ lệ vốn cho vay bất động sản tại một số NH đã khá cao nên việc hạn chế, thậm chí tạm ngưng giải ngân đối với cho vay bất động sản là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, trong những năm gần đây, các NH “mở” dần với cho vay bất động sản vì nhiều lý do như dễ thẩm định, dễ cho vay và món vay thường lớn, lãi suất cho vay cũng cao hơn, đồng nghĩa với lợi nhuận thu về lớn hơn. Nhờ đó, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại, NH từng bước xử lý được cục máu đông nợ xấu…

Tuy nhiên, từ năm 2019, các cơ quan quản lý đã nhận thấy rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản nên đã siết tín dụng đổ vào lĩnh vực này. Ngay cả trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản từng “nở rộ” trong năm 2020, với phần lớn trái chủ là các NH, cũng đã được kiểm soát chặt hơn.

“Với việc tạm dừng giải ngân cho vay bất động sản của một số NH sẽ ảnh hưởng đến các công ty bất động sản lớn, buộc các doanh nghiệp này phải nâng cao năng lực tài chính.

Trên thực tế, nhiều NH đã âm thầm làm việc này và nhiều chủ đầu tư đã bị hạn chế cho vay hoặc chỉ được giải ngân một phần, buộc phải tìm nguồn vốn ở trái phiếu nhưng Bộ Tài chính đã siết chặt vấn đề dùng vốn NH để mua trái phiếu, do vậy các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn khá lớn về vốn và không dễ phát hành trái phiếu như trước”, ông Hiển nói.

Tags: , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận