Luật Đất đai (sửa đổi): Có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển đất nước

Trường Sơn 9:48 chiều, Thứ Bảy, 17 Tháng Hai 2024

Ngày 18/1/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thể chế hóa toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc được rút ra trong tổng kết thực tiễn trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013 và luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp.

Tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp

Đánh giá về việc Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội – Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng Luật Đất đai là dự án Luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Luật Đất đai vừa được thông qua cũng là tín hiệu vui, người dân rất phấn khởi, giúp doanh nghiệp có thể tính toán đường hướng phát triển cho giai đoạn mới, cơ hội tiếp cận đất cho nhiều người dân hơn, bảo vệ đầy đủ hơn quyền lợi của họ.

Đáng chú ý, Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013 như: Tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai…

Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường. Luật Đất đai (sửa đổi) quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất. UBND tỉnh có trách nhiệm trình HĐND quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Nhằm triển khai hiệu quả Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An kiến nghị, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết như lâu nay cần sớm được khắc phục và nhất thiết không để “tái diễn” với Luật Đất đai (sửa đổi) – một văn bản luật có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển của đất nước, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, Chính phủ cần tập trung để hoàn thiện các văn bản dưới Luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm sau khi Luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống đã bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Với một hệ thống pháp luật đất đai được hoàn thiện sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng phải ban hành các thông tư để quy định, hướng dẫn cụ thể hơn; trao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành để người dân giám sát…

Thực thi hiệu quả công tác quản lý đất đai

Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định chi tiết về 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát. Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, địa phương.

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp; các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất…. Có thể thấy rằng, những quy định này sẽ hạn chế tối đa những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm hay vấn đề khiếu kiện về đất đai như trước đây.

Để đảm bảo thực thi hiệu quả công tác quản lý đất đai thời gian tới, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp đề xuất đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung.

Tags: ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận