Bất thường việc tách 18 thửa đất nông nghiệp tại Pleiku

admin 11:42 sáng, Chủ Nhật, 14 Tháng Tám 2022

Trong khi UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo hạn chế tách thửa số lượng lớn để chống tình trạng phân lô bán nền, gây sốt đất “ảo”, thì việc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đồng ý cho tách thửa cùng lúc 18 lô đất nông nghiệp ở phường Chi Lăng, TP.Pleiku được cho là bất thường.

Nhân viên môi giới bất động sản dẫn khách hàng đi rao bán đất nông nghiệp ở phường Chi Lăng, TP.Pleiku

Tách thửa “thần tốc”

Như  phản ánh, tại Tổ 4, phường Chi Lăng, TP.Pleiku có tình trạng “cò đất”, môi giới bất động sản dẫn dụ khách hàng đến mua bán đất nông nghiệp. Tại tờ bản đồ số 35, có 18 lô đất nông nghiệp, diện tích trung bình 9×59 (trên 500m2, ký cùng ngày 16.2.2022), có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ, sổ đỏ) được tách thửa.

Việc tự ý làm đường bêtông, cơi nới rộng đường nhằm dễ dàng cho việc bán đất nền. “Cò đất” hứa hẹn với khách hàng các lô đất đều chuyển thành đất thổ cư được, thích hợp để làm homestay, farmstay hoặc mua rồi bán lại kiếm lời.

Theo ông Lê Giang Sơn – Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, TP.Pleiku, việc tự ý đổ đường bêtông là xây dựng trái phép, tuy nhiên chính quyền hiện chưa tìm được người vi phạm để xử lý theo quy định. Vị trí cơi nới đường, bán đất nằm giáp ranh, xa trung tâm nên khó có thông tin xử lý.

Sau khi kiểm tra hiện trường, UBND TP.Pleiku yêu cầu phường Chi Lăng chịu trách nhiệm trước thành phố về quản lý trật tự xây dựng trái phép và có hướng xử lý con đường tự làm.

Lợi dụng kẻ hở pháp luật để phân lô bán nền

Ông Huỳnh Minh Sở – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Gia Lai – cho biết: “Việc tách thửa 18 lô đất căn cứ theo quy định của Luật Đất đai. Việc tách thửa số lượng lớn thì chỉ thông tin để chính quyền địa phương kịp thời kiểm tra, xem xét người sử dụng đất có vi phạm các quy định của pháp luật hay không chứ không có cơ sở trả hồ sơ mà không có căn cứ. Đồng thời, chính quyền địa phương kiểm tra xem có xây dựng trái phép, tự mở đường, cắm biển quảng cáo hay không”.

Mặc dù vậy, việc tách thửa, cấp giấy CNQSDĐ 18 lô đất là không phù hợp với bối cảnh UBND tỉnh Gia Lai đang yêu cầu hạn chế tách thửa số lượng lớn, bất thường để chống sốt đất ảo, phân lô bán nền. Việc tách thửa đồng loạt 18 lô đất cũng chưa được báo cáo kịp thời và thông tin rõ ràng.

Theo ông Huỳnh Minh Sở, sau khi có phản ánh của Báo Lao Động, đơn vị tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp với chính quyền cấp xã, huyện, thành phố kiểm tra, xử lý khi phát hiện các trường hợp tách thửa số lượng lớn bất thường.

Thực tế, một số tổ chức, cá nhân dưới danh nghĩa là môi giới bất động sản đã huy động vốn để thu gom đất nông nghiệp số lượng lớn. Các đối tượng này lợi dụng chính sách và kẽ hở của pháp luật để hiến đất hoặc tự san ủi mở đường giao thông, sau đó chia tách thửa đất thành các thửa nhỏ để chuyển nhượng, trục lợi…

Về hệ lụy lâu dài, địa phương sẽ cạn kiệt quỹ đất, từ đó khó kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là đầu tư quy mô lớn. Người nông dân mất đất sản xuất dẫn tới nguồn thu nhập trực tiếp từ sản xuất thiếu bền vững trong tương lai gần, có thể gặp nhiều khó khăn do không chuyển đổi được nghề nghiệp và đất đai bỏ hoang gây lãng phí.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của nhà nước sẽ bị ảnh hưởng do giá đất tăng cao…

Chính quyền xã, phường, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có phần trách nhiệm trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc xây dựng trái phép, đặc biệt là tự ý san ủi mở đường giao thông, phân lô bán nền trái quy định pháp luật.

Tags: , , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận