(Doanhnghieptre.vn) – H&M đang hứng chịu làn sóng tẩy chay dữ dội tại Việt Nam vì nghi vấn chèn ‘đường lưỡi bò’ phi pháp vào bản đồ theo ý Trung Quốc.
Ngày 2/4, chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về “bản đồ có vấn đề” trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó.
Phía Trung Quốc không nêu cụ thể những thay đổi, nhưng theo hãng thông tấn AP, Trung Quốc đã yêu cầu các nhãn hàng phải hiển thị trên bản đồ các khu vực mà nước này tuyên bố thuộc chủ quyền, trong đó có đường lưỡi bò phi pháp mà nước này công bố ở Biển Đông.
Thông tin H&M đồng ý sửa đổi bản đồ theo ý Trung Quốc ngay lập tức khiến cộng đồng mạng Việt Nam “dậy sóng”. Các hashtag #BoycottHM, #TaychayHM, #HMgetoutofVietNam, #HoangsaTruongSabelongtoVietNam liên tục bùng nổ trên nhiều diễn đàn cũng như mạng xã hội.
Không chỉ bày tỏ thái độ gay gắt, quyết liệt trên các diễn đàn trực tuyến, cư dân mạng còn tràn vào fanpage chính thức của thương hiệu đến từ Thụy Điển để kêu gọi mọi người tẩy chay các sản phẩm của hãng, đồng thời yêu cầu đơn vị này rời khỏi thị trường Việt Nam.
Ủng hộ làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng, trên trang cá nhân, nhiều sao Việt như Hồng Quế, Đình Tú, Linh Ngọc Đàm, Vũ Hà…cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng quay lưng với H&M khi hãng đăng tải bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.
Hiện, phía H&M vẫn chưa có phản hồi gì về vấn đề này.
Đường “lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt đoạn”… đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).
Đường lưỡi bò này đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.