Thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu Việt tầm quốc tế

Minh Khiem 1:38 chiều, Thứ Hai, 26 Tháng Chín 2022

(DOANH NGHIỆP TRẺ) – Đã có một số doanh nghiệp Việt vươn ra đầu tư thế giới như Viettel, Vinamilk, Vinfast…, song tới nay VN vẫn chưa có được thương hiệu toàn cầu.

Năm 2019, sản phẩm gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới, sau đó là giải nhì năm 2020. Tuy nhiên, thương hiệu gạo này lại bị một doanh nghiệp (DN) khác không phải DN Việt đăng ký bảo hộ ở Mỹ. Nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, DN sở hữu thương hiệu ST25 của VN lại phải thông qua DN chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25.

Câu chuyện gạo ST25 là một minh chứng rõ nhất cho việc VN có rất nhiều sản phẩm tốt, đạt chất lượng và tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất, nhưng lại chưa có được những thương hiệu mang tầm quốc gia nếu xét cả về thương hiệu sản phẩm lẫn thương hiệu DN.

Sản phẩm xe điện của Nhà máy Vinfast

Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty CP Mibrand VN, đơn vị phối hợp với Brand Finance vừa công bố TOP 50 thương hiệu giá trị nhất VN, chúng ta thiếu những thương hiệu ở tầm quy mô thế giới. Các nước có những thương hiệu nổi tiếng, được đón nhận ở những thị trường khác nhau, trở thành thương hiệu định danh cho quốc gia như nhắc đến Nhật Bản là Toyota, Honda; nhắc đến Hàn Quốc là Samsung, LG hay Đức là Mercedes, BMW…

Trong khi ở VN chỉ một số ít DN đầu tư ra nước ngoài gây dựng được thương hiệu như Viettel hay Vinamilk. Đơn cử như Viettel hiện đã đầu tư ra 10 thị trường trên thế giới và đạt được thành công nhất định, song các mạng viễn thông do Viettel xây dựng tại các nước vẫn mang những tên gọi khác nhau tùy thuộc vào từng nước… Tương tự, Vinamilk đã có sản phẩm xuất khẩu đến 6 nước. Vietnam Airlines khẳng định được giá trị với nhiều đường bay quốc tế vươn ra khắp thế giới.

Trong khi đó, theo một kết quả khảo sát của Bộ Công thương, chỉ 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu nhưng cũng chỉ chú trọng đăng ký tại VN, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Như vậy, có đến 80% DN không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu.

Tại diễn đàn phát triển thị trường khoa học công nghệ vừa diễn ra hôm 22.9, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu điểm khi các DN hoặc nhà nghiên cứu VN mới tạo ra sản phẩm nhưng chưa biết kinh doanh. “Phải bán cái thị trường cần, không phải bán cái chúng ta có. Nâng lên một cấp độ nữa là bán cái thị trường chưa cần nhưng sẽ cần”, ông Hoan nói.

Ông Lại Tiến Mạnh cho rằng có nhiều lý do khiến VN có nhiều sản phẩm tốt, xuất khẩu đạt giá trị cao, nhưng chưa có nhiều thương hiệu đạt tầm quy mô thế giới. Một trong số đó là các DN mới xây dựng, phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu của người Việt mà không có sự hiểu biết và đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng thế giới. Nói cách khác hiểu biết của DN với thị trường quốc tế và khách hàng quốc tế còn hạn chế, chưa kể rào cản ngôn ngữ, khả năng tài chính… khiến những DN nhỏ và vừa cũng khó tiếp thị được sản phẩm ở quy mô rộng rãi.

“Nhiều DN đã có ý thức xây dựng thương hiệu, nhưng thiếu và yếu về năng lực cũng như kinh nghiệm. Tuy nhiên, một mình DN sẽ không thể làm được câu chuyện xây dựng thương hiệu, mà cần một chiến lược quốc gia vài chục năm với các DN lớn tham gia”, ông Mạnh nhìn nhận và cho rằng đưa thương hiệu quốc gia (THQG) vươn ra toàn cầu phải đi liền với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, phủ sóng hàng hóa, sản phẩm VN ở thị trường thế giới.

Theo ông Mạnh, có thể lựa chọn ngay trong những DN đã có THQG để tập trung các ngồn lực hỗ trợ về xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh; kiến thức am hiểu quy định pháp luật kinh doanh, bảo hộ thương hiệu ở các thị trường nước ngoài khi đây vẫn là điểm yếu của DN VN khi bước vào hội nhập.

Dẫn lại câu chuyện của Hàn Quốc, theo chuyên gia xây dựng thương hiệu này, đất nước này đã đào tạo bài bản từ nhân lực, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu quốc gia qua rất nhiều kênh như phim ảnh, âm nhạc cho đến các sản phẩm tiêu dùng, điện tử… Nhưng trước khi sản phẩm Hàn Quốc trở thành những thương hiệu toàn cầu thì Hàn Quốc đã rất chú trọng chiến lược kích cầu tiêu thụ nội địa, người Hàn dùng hàng Hàn, tạo được thị trường nội địa vững chắc cho các DN phát triển.

“VN cũng có chiến lược người Việt dùng hàng Việt, nhưng người dân VN chưa thực sự tin tưởng và dành sự quan tâm đúng mực cho các sản phẩm nội địa. Chỉ khi phát triển mạnh được ở thị trường nội địa, DN mới đủ lực để vươn ra thị trường thế giới. Chúng ta có nhiều niềm tự hào nhưng lại đang thiếu khát vọng mang tầm quốc gia”, ông Mạnh nhận xét.

Tags: , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận