(DOANH NGHIỆP TRẺ) – Thị trường bột giặt, sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình, có giá trị hơn 3 tỉ USD mỗi năm của Việt Nam gần như nằm gọn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Khảo sát bỏ túi mà chúng tôi thực hiện với 35 bà nội trợ tại khu vực các quận 1, 3 và Phú Nhuận cho thấy gần 90% mua nước giặt Omo (Unilever), 60% mua nước rửa chén Sunlight, 30% mua các nhãn hàng của Nhật, Hàn Quốc.
Hơn 70% thị phần vào tay thương hiệu ngoại
Thử liệt kê các sản phẩm tẩy rửa đang sử dụng trong gia đình theo đề nghị đột xuất của chúng tôi, chị Kim Ngọc (Q.3, TP.HCM) cho hay nhà có nước giặt Ariel (P&G), nước lau sàn và nước rửa chén Sunlight (thuộc Unilever), nước lau bếp Cif (Unilever), nước cọ rửa nhà vệ sinh Vim (Unilever), bột giặt Omo cũng của Unilever… Theo chị Ngọc, đây là những cái tên quen thuộc mà khi đi chợ hay siêu thị đa số các bà nội trợ đều lựa chọn.
Thực tế hàng thập niên qua, hai tập đoàn mỹ phẩm ngoại Unilever và P&G vẫn đang thống lĩnh thị trường bột giặt và chất tẩy rửa của VN. Với tốc độ tăng trưởng bình quân trên dưới 10%, thị trường bột giặt và các sản phẩm VN được đánh giá là có tiềm năng lớn. Theo thống kê vào năm 2020 của Euromonitor, ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình tại VN có giá trị thị trường khoảng 3,1 tỉ USD, tương đương 75.000 tỉ đồng, chỉ xếp sau ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Trong đó, Unilever và P&G đang nắm tới 71% thị phần, tương đương thu hơn 50.000 tỉ đồng mỗi năm. Phần nhỏ còn lại của miếng bánh được chia cho hàng loạt doanh nghiệp Việt như Đại Việt Hương với sản phẩm Aba, Công ty CP bột giặt LIX, bột giặt NET, Vico, Mỹ Hảo…
Việc đổ bộ và tăng tốc của hai tập đoàn ngoại trong ngành hóa mỹ phẩm đã mang đến cho người tiêu dùng những sự lựa chọn mới, chất lượng hơn nên thị phần ngày càng lớn. Gần đây, một số tập đoàn lớn trong nước cũng cũng nỗ lực giành lại thị trường béo bở này nhưng thị phần vẫn chưa có gì thay đổi rõ ràng. Đình đám nhất là Masan nắm chi phối tại bột giặt NET. Ngay sau đó, NET đã tung ra nhãn hàng bột giặt mới là Joins 2 trong 1, rồi ồ ạt đưa vào các quầy kệ siêu thị và cửa hàng tiện lợi với giá bán khá mềm so với sản phẩm cùng loại của các tập đoàn đa quốc gia.
Ngay quý 3/2020, doanh thu của NET đã tăng đến 40% so cùng kỳ năm trước, lên 380 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh năm đó của NET ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục 133 tỉ đồng, tăng 64% so năm trước đó. Sang năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, lợi nhuận giảm 20 tỉ, xuống 113 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây, báo cáo nửa đầu năm cho thấy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn gần 46 tỉ đồng, giảm đến 32% so cùng kỳ năm trước.
Bản thân lãnh đạo của NET nhận định những năm gần đây mức độ cạnh tranh trên thị trường bột giặt, chất tẩy rửa chưa bao giờ giảm sức nóng. Thương hiệu ngoại với ưu thế cạnh tranh, bề dày kinh nghiệm chinh chiến các thị trường đa quốc gia, tiềm lực tài chính mạnh, chiến lược quảng cáo rầm rộ… đã đổ bộ vào VN. Song song đó, người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thương hiệu bột giặt và các chất tẩy rửa đang sử dụng nếu các nhãn hiệu khác có những ưu điểm hơn về chất lượng, thiết kế bao bì, hương thơm, quảng cáo, khuyến mãi… Như vậy, nếu không đổi mới và cải tiến, thương hiệu, sản phẩm sẽ dễ bị người tiêu dùng lãng quên.