(DOANH NGHIỆP TRẺ) – Ngày 5/4, trên khắp các trang báo đã đồng loạt đưa tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Đáng chú ý Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một trong số những tập đoàn bất động sản nằm trong danh sách thanh tra được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà ký quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra từ năm 2017.
Trong số các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thanh tra trong đợt này có những tập đoàn có qui mô đầu tư khá lớn như Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn Empire, Tập đoàn Sungroup…
Chi tiết hơn nữa, theo kế hoạch thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra Tập đoàn Mường Thanh về việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản tại các dự án trên địa bàn thành phố và tỉnh Khánh Hoà.
Với Tập đoàn Bitexco, Thanh tra Xây dựng sẽ thanh tra việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản tại các dự án của Tập đoàn này tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ làm việc tại Tập đoàn Empire về việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản tại riêng dự án Cocobay Đà Nẵng.
Một doanh nghiệp đáng chú khác cũng nằm trong kế hoạch thanh tra đợt này là Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh. Đoàn thanh tra sẽ làm rõ việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản của Chủ đầu tư và dự án xây dựng 4 tuyến đường giao thông chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung, Đường ven hồ trung tâm, Đường ven sông Sài Gòn và Đường trên cao qua vùng châu thổ.
Công ty TNHH Phát triển Phú Mý Hưng sẽ bị thanh tra về nội dung: Việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng và các dự án: Scenic-Valley, Scenic-Valley2.
Một số công ty có qui mô nhỏ hơn cũng nằm trong diện phải thanh tra năm 2017 như Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long sẽ tiếp đoàn thanh tra Bộ Xây dựng về nội dung: Việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản tại dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt sẽ được thanh tra về việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh bất động sản tại dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại và dịch vụ (The EverRich Infinity) và Khu nhà ở cao tầng phường Phú Nhuận, quận 7 (The EverRich 2).
Dưới góc nhìn của chuyên gia đánh giá việc hủy các lô trái phiếu đã phát hành của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung nhưng không quá lớn. Việc hủy phát hành có thể đã được các bên liên quan phần nào tiên lượng được sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh quyết định bỏ cọc các lô đất đã đấu giá ở Khu đô thị Thủ Thiêm.
Vấn đề đặt ra các đơn vị phát hành trái phiếu đó sử dụng nguồn vốn huy động để làm gì? Có đúng với mục đích công bố và công khai với trái chủ không, hay chỉ làm cho đẹp hồ sơ phát hành nhằm qua mặt đơn vị tư vấn cũng như cơ quan quản lý là Uỷ ban chứng khoán nhà nước? Cũng cần nói thêm rằng các cơ quan chức năng đã lỏng lẻo trong quản lý, giám sát mục đích phát hành trái phiếu. Do đó, cần siết chặt về trách nhiệm của các bên để tránh việc đơn vị phát hành trái phiếu làm lũng đoạn thị trường tài chính.
Sáng 5/4 diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
“Tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra vi phạm pháp luật liên quan đến bất động sản, đến đất đai, thị trường chứng khoán rồi đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp”- Thủ tướng nói.