Những thách thức của năm mới với mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội

Khánh Hòa 3:35 chiều, Thứ Năm, 26 Tháng Một 2023

Theo Bộ Xây dựng, bước sang năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng đặt ra chính là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân với mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Xây dựng về những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện đề án trên thì trình tự, thủ tục thực hiện còn khá phức tạp khiến tiến độ dự án chậm triển khai và bị kéo dài.

Cần nhanh chóng tháo gỡ nhiều thủ tục đang cản trở các dự án nhà ở xã hội.

Tại TPHCM, dự kiến trong giai đoạn từ nay cho đến hết năm 2025 nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng mạnh với việc có 32 dự án với quy mô hơn 31.000 căn hộ được triển khai cùng với đó là 6 dự án nhà lưu trú cho công nhân. Còn từ năm 2026-2030, dự kiến triển khai tiếp 47 dự án nhà ở xã hội và 03 dự án nhà lưu trú cho công nhân trên địa bàn TPHCM. Về nguồn lực quỹ đất chuẩn bị cho việc phát triển nguồn cung này, theo thông tin cung cấp từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, thành phố có 20 khu đất được quy hoạch nhà ở xã hội, chủ yếu là nhà cho người có thu nhập thấp, có tổng diện tích hơn 38ha.

Tuy nhiên, chính Sở Xây dựng TPHCM cũng đã từng nêu nhiều kiến nghị về câu chuyện thủ tục pháp lý đang là rào cản lớn nhất khi triển khai nhà ở xã hội. Theo các quy định pháp luật hiện nay, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục mà dự án nhà ở thương mại không phải thực hiện, gồm: xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, sau đó thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất; thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội; xác nhận đối tượng. Như vậy, số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận. Vừa phải đối mặt với thủ tục nhiêu khê, vừa bị khống chế lợi nhuận nên không mấy chủ đầu tư mặn mà với dự án nhà ở xã hội là chuyện rất dễ hiểu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa thật phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, quy định trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Theo ông Châu, số tiền này không lớn, ngay cả TPHCM năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỉ đồng, trích 10% thì cũng chỉ được 756 tỉ đồng. Hoặc nếu bỏ quy định các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ thì sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

HoREA đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội. Về rào cản thủ tục pháp lý, Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể, đầy đủ về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại. Đây sẽ là cơ sở để việc triển khai dự án trở nên nhanh gọn hơn.

Tags: , , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận