Những rủi ro pháp lý khi mua lại nhà ở xã hội

Linh Anh 1:01 chiều, Thứ Năm, 9 Tháng Hai 2023

Để có thể mua nhà ở xã hội hợp pháp, người dân phải nộp hồ sơ xét duyệt và chờ đợi khá lâu. Trong khi đó, nhiều người chọn cách mua lại từ chủ hộ. Thế nhưng việc mua lại nhà ở xã hội đối diện nhiều rủi ro về pháp lý.

Nhà ở xã hội mua bán như nhà ở thương mại

Theo khảo sát  trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hiện có 3 khu nhà ở xã hội mang tên Ecohome 1, Ecohome 2 và Ecohome 3.

Mặc dù là nhà ở xã hội, song người dân vẫn mua đi bán lại rầm rộ không khác gì nhà ở thương mại. Trong các nhóm cư dân của Ecohome, nhiều người đăng bán căn hộ với đủ loại diện tích. Chủ tài khoản T.T rao bán: “Chính chủ bán căn hộ tại Ecohome 3, diện tích 40m2, 1 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh, nội thất để lại đồ cơ bản. Giá 1,2 tỉ đồng (tương đương 30 triệu đồng/m2)”.

Chủ tài khoản H.T rao bán căn hộ 56m2 Ecohome 2. Thiết kế 2 ngủ, 1 vệ sinh. Nội thất để lại điều hòa, nóng lạnh, tủ bếp… Nhà hướng Nam, tầng trung. Giá 1,5 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, 33 tuổi, quê Thái Bình chia sẻ: “Tôi đang có hơn 1 tỉ đồng. Năm nay dự định kết hôn nên tôi mong muốn mua chung cư tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để ổn định cuộc sống. Giá nhà ở xã hội ở Ecohome ban đầu chỉ dao động từ 15 – 18 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá nhà “đội lên” tới 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với căn diện tích nhỏ 36 – 50m2, tổng giá trị căn hộ chỉ hơn 1 tỉ đồng. Đây là số tiền vừa sức nhưng tôi khá lo lắng về tính pháp lý khi mua lại nhà ở xã hội“.

Một dự án nhà ở xã hội tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Rủi ro khi “nhắm mắt mua bừa” nhà ở xã hội mà không rõ pháp luật

Trao đổi về vấn đề pháp lý nhà ở xã hội, TS Đỗ Xuân Trọng – Giảng viên môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội – cho biết, nhà ở xã hội ra đời nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở giá rẻ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Theo đó, pháp luật đảm bảo người mua nhà ở xã hội phải có nhu cầu ở thực, tránh đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014: “Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở. Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, theo quy định hiện hành việc người mua, thuê nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm.

Việc mua bán nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường chỉ được thực hiện sau thời hạn 5 năm. Cụ thể, khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định: “Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế. Trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân”.

Như vậy, việc mua lại nhà ở xã hội đối diện nhiều rủi ro về pháp lý. Nếu muốn mua nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường người dân cần chú ý thời hạn được giao dịch là sau 5 năm kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua và đã được cấp sổ hồng.

Tags: , , ,
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận