Long An có đường biên giới dài hơn 130km, tiếp giáp với hai tỉnh Svay Rieng, Prey Veng của Vương quốc Campuchia. Hàng trăm km đường biên giới chủ yếu là sông, kênh rạch, đồng ruộng và đường đất, vì thế mà tình trạng buôn lậu đặc biệt là trâu bò qua đường tiểu ngạch thường xuyên diễn ra trót lọt mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Theo những người dân ở đây chỉ cần có mặt tại ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (Long An) vào lúc 4h sáng, bằng một chuyến đò ngang qua sông Cái Cỏ để sang Vương quốc Campuchia. Tại đây, sau khi đóng 100.000VNĐ/người – cho một người đàn ông mặc quân phục Campuchia và được cho biết số tiền này là lệ phí nhập cảnh qua biên giới (!?) rồi được lái buôn dẫn đến điểm tập kết trâu bò để tiến hành giao dịch, mua bán.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ dạo quanh những điểm tập kết trâu bò, lái buôn chọn mua một bầy bò gồm 18 con, với giá thỏa thuận là 37.000.000đ /con. Thuận mua vừa bán,từng con bò trong đàn được xịt sơn để đánh đấu và ngay sau đó người bán bò kéo bầy bò men theo đường biên giới, đến sông Cái Cỏ để chuẩn bị vượt biên.
Cách thức “vượt biên” của những con bò ngoại vô cùng đơn giản, đó là tất cả chúng được một người đàn ông lùa xuống sông Cái Cỏ, cứ thế mà cả người cả bò cùng bơi qua sông. Ngay sau đó, đàn bò này sẽ chở về tập kết tại Khu cách ly kiểm dịch trâu bò nội địa và sau nhập khẩu tại ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (Long An)
Tại Khu cách ly kiểm dịch trâu bò nội địa và sau nhập khẩu thương lái chỉ cần kiểm đếm số lượng bò trong đàn bò đã mua trước đó để tiến hành đóng lệ phí cho các loại giấy tờ cần thiết như: Giấy Thông tin Nguồn gốc động vật sản phẩm động vật vận chuyển trong tỉnh Long An, phí vận chuyển vào khu cách ly kiểm dịch, phí dắt bò, phí bến bãi. Và ngay lập tức, cả đàn bò được đưa lên xe tải, vận chuyển về trại nuôi bò ở thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh).
Quá trình hoàn tất thủ tục cho đàn bò lậu được tiến hành rất thuần thục và nhanh chóng. Có lẽ đối với các lái buôn khác và những đàn bò khác cũng dễ dàng như vậy, vì vậy mà số lượng trâu bò hằng ngày được nhập lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch như thế này có thể lên đến hàng nghìn con.
Nhiều người sẽ thắc mắc phương thức làm thế nào để có được giấy tờ kiểm dịch và vận chuyển đàn bò lậu này sang Tỉnh khác? Nhưng được biết “Tại đây (Khu cách ly kiểm dịch trâu bò nội địa và sau nhập khẩu) có phòng thú y, trong phòng này có cán bộ kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Long An. Họ sẽ cấp Giấy Chứng nhận Kiểm dịch động vật và vận chuyển ra ngoài địa bàn cấp tỉnh, dễ lắm!”
Tại đây, chỉ cần bạn trong vai người lái buôn đề nghị nhân viên kiểm dịch bán cho mình một số giấy tờ, chứng từ để có thể “trót lọt” vận chuyển 10 con bò mới mua được từ Campuchia sang địa bàn Thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh). Vẫn là tâm thế làm việc rất nhanh gọn, nhân viên tại đây chỉ hỏi qua loa một số thông tin như: họ tên chủ hàng, biển số xe vận chuyển cùng với địa chỉ lò mổ.
Ngay sau đó, trên tay đã là các giấy tờ: Giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (số: 017863/CN – KDĐV – UQ), Biên bản Ghi nhận Tình trạng vệ sinh thú y của động vật, sản phẩm động vật (số: 085235/BB – VSTY), cùng với đó là một kẹp chì (MV:50-154456). Tất cả đều do kiểm dịch viên động vật Lê Văn Sĩ ký. Tất cả các loại giấy tờ trên chỉ cần mua với giá 350.000 đồng.
Quá trình kiểm soát, kiểm dịch trâu bò được vận chuyển và nhập khẩu trái phép qua biên giới, nhất là trong tình hình dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp tại địa phận Campuchia. Và một điều không thể quên nhắc đến là khu vực diễn ra hoạt động buôn lậu bò hết sức sôi nổi như trên lại gần ngay Trạm kiểm soát thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Sông Trăng (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).